Hoạt động kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XII (23/11/2005 – 23/11/2016)

Nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XII (23/11/2005-23/11/2016), nhằm tạo điều kiện cho sinh viên học tập về truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, Ban Quản lý Di tích TP. Cần Thơ tổ chức hoạt động giao lưu qua chương trình “Khám phá di sản”, tại Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ).
Sinh viên thi “Tìm hiểu về di sản văn hóa của TP. Cần Thơ”. Ảnh Hữu Tồn

Hơn 100 sinh viên của Trường Cao đẳng Cần Thơ đã cùng tìm hiểu ý nghĩa của Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tham gia thi “Tìm hiểu về di sản văn hóa của thành phố Cần Thơ” qua các trò chơi: Sĩ tử tranh tài, Nhanh trí đoán thuốc, Thử tài nho sinh, trả lời câu hỏi liên quan đến truyền thống lịch sử, văn hóa của thành phố Cần Thơ và giao lưu với các nghệ nhân đờn ca tài tử.
Ngày 23/11/1945, hơn 2 tháng sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh số 65/SL có các nội dung cơ bản như: khẳng định việc bảo tồn di sản văn hóa là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam, cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn. Cấm phá hủy những bi ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, sách vở có giá trị lịch sử… Sắc lệnh số 65/SL tuy ngắn gọn, súc tích nhưng phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc. Xuất phát từ ý nghĩa đó và trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy các giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Từ đó đến nay, hàng năm, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam được tổ chức trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước với nhiều hoạt động phong phú.
Thành phố Cần Thơ hiện có 29 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia và 17 di tích cấp thành phố. Về di sản văn hóa phi vật thể có các lễ hội như lễ hội Kỳ yên ở các đình làng, lễ hội truyền thống, tín ngưỡng của đồng bào Khmer, đồng bào Hoa; các xóm nghề, cơ sở nghề thủ công truyền thống (dệt chiếu Cái Chanh, đan lọp Dì Tho, bánh tráng Thuận Hưng, cơm rượu Bắc Đuông…; nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như hò, hát ru, múa bóng rỗi… Cần Thơ là một trong các tỉnh thành phía Nam lưu truyền và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ - một loại  loại hình nghệ thuật đặc sắc được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc  (UNESCO) vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Văn hóa chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
Nguyễn Thị Mỹ (BQL Di tích)
Các bài viết khác:
HÀNH TRÌNH TÌM VỀ DI SẢN TRONG NGÀY HỘI VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH QUẬN Ô MÔN – ĐẠI ĐOÀN KẾT CÁC DÂN TỘC, THÀNH PHỐ CẦN THƠ, LẦN THỨ II NĂM 2018   (30/11/2018)
KHU TƯỞNG NIỆM SOẠN GIẢ MỘC QUÁN - NGUYỄN TRỌNG QUYỀN   (15/10/2018)
Lễ công bố Quyết định và đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Đình Thới Bình   (09/10/2018)
Đoàn viên thanh niên thành phố Cần Thơ với công tác phát huy di tích lịch sử - văn hóa   (09/10/2018)
DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT ĐÌNH VĨNH TRINH   (28/09/2018)
<<    ...  2  3  4  5  6  ...    >>